Giới thiệu chung Xã
Ngày 24/04/2020

Nằm trong sự hình thành vùng ven biển Thái Bình, đất đai Bình Định được hình thành cách đây khoảng 250 – 230 năm. Từ xa xưa nơi đây vốn là vùng đất sâu của biển Đông, trải qua quá trình bồi tụ và được phù sa ở các sông, lớn nhất là sông Hồng bồi đắp thành đất liền. Do vậy sự quần tụ của cư dân Bình Định từ nơi khác đến. Buổi ban đầu tổ tiên của Bình Định bao gồm các đại diện thuộc các dòng họ: Trần, Bùi, Lê, Phạm, Nguyễn, Đỗ, Đặng, Hoàng, Phan từ làng Dương Liễu huyện Đan Phượng tỉnh Sơn Tây về đây khai dựng làm ăn mở mang danh trại. tiếp đó là các dòng họ như Vũ, Ngô, Mai, Nguyễn từ Nguyệt Lũ Nam Định và xứ Đông Thanh Hà - Hải Dương cũng lần lượt tới đây khai dựng làng, riêng làng Sơn Tĩnh và Trung Lập cư dân thuộc các dòng họ Lê, Nguyễn, Vũ đến từ Bích Câu Nam Định sang làm ăn sinh sống. Vào khoảng triều đại Lê Hiển Tông (tức Lê Cảnh Hưng), (1740 - 1787) Bình Định còn là vùng đất mới bồi, lầy lội và đầy lau sậy lối liền với rừng sú vẹt ven biển, buổi đầu Dương Liễu Trại chung với Dương Liễu làng có bốn xóm (gọi là Tứ Lân), còn Dương Liễu trại có 10 xóm (gọi là thập khu) gồm cả tứ khu An Nhân (nay thuộc xã Bắc Hải). Tuy gọi là Dương liễu trại nhưng diện tích và ruộng đất cũng nhiều hơn Dương Liễu làng, với câu nói nổi tiếng “Voi nhà Chúa – lúa Dương Liễu”

Tháng 10 năm 1949 xã Bình Định chính thức được thành lập và phân chia thành các thôn: Thôn An Nhân, Công Bình, Thái Hòa, Hòa Bình, Trần Phú, Hưng Đạo, Ái Quốc và Khả Cửu.

Năm 1955 Thôn An Nhân được cắt về xã Bắc Hải huyện Tiền Hải, thôn Khả Cửu cắt về xã Hồng Tiến, Thôn Sơn Trung của xã Nam Hải huyện Tiền Hải được sát nhập về xã Bình Định và từ đây Bình Định chính thức có 7 thôn: thôn Hòa Bình, Trần phú, Ái Quốc, Sơn Trung, Công Bình, Thái Hòa và Hưng Đạo.

Năm 2003 chuyển đổi mô hình xóm thành thôn, Bình Định đã sát nhập thành 8 thôn gồm: thôn Hòa Bình, Trần Phú, Ái Quốc, Sơn Trung, Công Bình, Thái Hòa, Hưng Đạo và Tân Đông.

Là một địa phương có bề dày truyền thống Cách mạng, nhân dân vốn cần cù, chịu khó, đoàn kết yêu thương, có tinh thần hiếu học và truyền thống thượng võ của dân tộc. Trong 2 cuộc kháng chiến xã Bình Định có gần 4 ngàn lượt người tham gia quân đội và thanh niên xung phong, có 296 đồng chí đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường, 34 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, 36 đồng chí được xét công nhận lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa, 187 đồng chí là thương bệnh binh, hàng trăm người bị nhiễm chất độc da cam.

Trong công cuộc đổi mới đất nước Bình Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự đoàn kết chung tay xây dựng quê hương của nhân dân địa phương nên đã đạt được những thành tựu đáng kể:

Từ những năm 1992 Bình Định là một điểm sáng trong phong trào xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ đời sống dân sinh “điện, đường, trường, trạm”.

Năm 2013 xây dựng thành công nông thôn mới, quy hoạch mạng lưới giao thông và thủy lợi nội đồng hoàn thiện và vững chắc.

Các công trình phúc lợi phục vụ đời sống dân sinh được củng cố và xây dựng, công sở nơi làm việc của đảng, chính quyền, hợp tác xã nông nghiệp, các trường học, trạm y tế được xây dựng mới đã đạt chuẩn Quốc gia, hệ thống điện, nước sạch tới tân hộ dân, nhiều công ty, cơ sở kinh doanh được thành lập và mở rộng, tăng trưởng kinh tế đạt 13%/năm. Đời sống văn hóa xã hội được nâng cao và cải thiện đáng kể, “xã đạt chuẩn Văn hóa nông thôn mới” từ năm 2013, 100% số thôn đều đạt danh hiệu “thôn Văn hóa”, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu “gia đình Văn hóa” từ 90% trở lên, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được gìn giữ và lưu truyền, toàn xã có 13 câu lạc bộ văn thể, 3 di tích Lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh gồm: di tích Lịch sử Văn hóa Đền – Chùa Vĩnh Quang, di tích Lịch sử Văn hóa Đình Sơn Tĩnh, Di tích lịch sử Văn hóa nhà thờ họ Hoàng. Định kỳ và hàng năm các lễ hội được diễn ra trong các khu di tích như lễ hội truyền thống đầu xuân tại Đền – Chùa, lễ hội Đình Sơn Tĩnh 5 năm một lần…

Đảng bộ chính quyền nhiều năm liền đạt danh hiệu " Trong sạch vững mạnh", tình hình an ninh chính trị luôn được giữ vững và ổn định.

Với những thành tích đã đạt được Đảng bộ và nhân dân xã Bình Định đã được tặng thưởng nhiều Huân chương, cờ thi đua, bằng, giấy khen của Chính Phủ, các bộ ngành Trung ương, của tỉnh và huyện.

Năm 2013 Bình Định vinh dự được đón Chủ Tịch Quốc Hội nước CHXHCN Việt nam, Năm 2016 được đón Thủ Tướng Chính Phủ nước CHXHCN Việt nam về thăm và làm việc tại địa phương.   

Với truyền thống và kinh nghiệm trong nhiều thập kỷ qua là tài sản tinh thần vô cùng quý giá là niềm tự hào và điểm tựa quan trọng để đảng bộ và nhân dân Bình Định vững bước trên con đường xây dựng, đổi mới và bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.